Tật khúc xạ cận thị ngày càng gia tăng trong dân số, nhất là ở trẻ em trong thời đại kĩ thuật số. Khu vực các nước ở châu Á như Singapore, Trung Quốc là những nơi có tỉ lệ tật khúc xạ đang tăng cao và chiếm tỉ lệ khá lớn (80-90%). Cận thị có thể gây ra tình trạng suy giảm thị lực, nặng hơn có thể dẫn đến các biến chứng về các bệnh lý nguy hiểm khác ở mắt như bong võng mạc, thoái hoá võng mạc,…
Đứng trước tình trạng báo động này, các phương pháp kiểm soát cận thị được nghiên cứu và cho ra đời. Kiểm soát cận thị được chia thành 2 nhánh chính: hạn chế sự phát triển của tật cận thị hoặc ngăn sự hình thành của tật cận thị. Trong mỗi nhánh sẽ có các phương pháp khác nhau và bài viết này sẽ giới thiệu các đặc điểm chính của một vài phương pháp phổ biến.
Hạn chế sự phát triển của cận thị
Điều chỉnh cận thị thấp hơn độ thực tế
Đây là phương pháp khá đơn giản được khá nhiều các nhân viên y tế sử dụng với mục đích làm chậm sự phát triển của cận thị bằng cách kê kính điều chỉnh có độ thấp hơn kính thực khoảng 0.50 đến 0.75D. Tuy nhiên, rất nhiều nghiên cứu lớn về phương pháp này trong những năm gần đây đã chỉ ra rằng việc chỉnh kính thấp độ hơn không đem lại hiệu quả nào trong việc hạn chế sự phát triển cận thị, thậm chí có thể làm cận thị gia tăng nhanh hơn.
Kính Ortho – K
Phương pháp này kiểm soát cận thị thông qua việc sử dụng một loại kính tiếp xúc cứng có cấu tạo đặc biệt để đè phẳng phần giác mạc trung tâm, từ đó làm thay đổi sự hội tụ của các tia sáng khi đi vào mắt và làm giảm độ cận thị tạm thời (giác mạc là phần trước và trong suốt của nhãn cầu). Bệnh nhân sử dụng phương pháp này sẽ được chỉ định đeo loại kính này vào buổi tối trước khi đi ngủ và tháo ra vào buổi sáng. Tỉ lệ thành công của phương pháp này thay đổi qua các nghiên cứu khác nhau, với tỉ lệ từ 30% đến 65% tuỳ theo sự khác biệt về thời gian nghiên cứu cũng như mẫu dân số. Hiệu quả trung bình khoảng 41%
Một trong những hạn chế của phương pháp này là chưa có nhiều nghiên cứu về tác dụng của kính trong thời gian dài (trên 5 năm) cũng như hệ quả của việc gia tăng lại mức độ phát triển cận thị sau thời gian ngưng điều trị (rebound effect). Ngoài ra, việc sử dụng kính Ortho-K cũng phải đảm bảo những yếu tố phù hợp từ phía bệnh nhân như độ cong giác mạc, mức độ cận thị…Chi phí của phương pháp này cũng tương đối cao.
Kính gọng 2 tròng hoặc đa tròng
Kính 2 tròng hoặc đa tròng cũng được các chuyên gia kê cho trẻ em với mục đích hạn chế sự phát triển của cận thị. Nguyên tắc hoạt động của những loại kính này khá giống nhau, đó là kiểm soát cận thị thông qua việc hạn chế nỗ lực điều tiết mắt khi nhìn gần. Các nghiên cứu trên kính 2 tròng cũng cho thấy khả năng kiểm soát cận thị khoảng 30 – 40%, và loại kính 2 tròng được sử dụng đa số trong các nghiên cứu là loại kính 2 tròng Executive (hình 2), với hiệu quả trung bình đạt khoảng 39%. Đối với kính đa tròng, một vài nghiên cứu cho thấy khả năng kiểm soát cận thị của phương pháp này chưa thực sự hiệu quả (khoảng 10% – 30%). Hạn chế của các phương pháp này là số lượng bài nghiên cứu còn khá ít so với các phương pháp khác, do đó, giá trị hiệu quả của chúng chưa có ý nghĩa thực sự trên lâm sàng.
Kính giảm hội tụ chu biên
Kính giảm hội tụ chu biên (defocus lens) là một loại tròng được đặc chế riêng cho mục đích kiểm soát cận thị. Khi ta sử dụng kính cận thị thông thường, các tia sáng ở chu biên sẽ hội tụ phía sau võng mạc gây ra sự mờ ảnh ở các vùng ngoài trung tâm, phát tín hiệu kích thích sự kéo dài của trục nhãn cầu. Võng mạc là một lớp ở phía sau của nhãn cầu, nơi thu nhận ánh sáng từ đó truyền những tín hiệu này lên não để xử lí thành hình ảnh chúng ta nhìn thấy. Việc kéo dài trục nhãn cầu sẽ gây gia tăng độ cận thị. Đối với kính giảm hội tụ chu biên, sự mờ ảnh võng mạc chu biên sẽ bị loại bỏ do cấu tạo đặc biệt của nó.
Hiệu quả của loại kính này vẫn còn đang được nghiên cứu thêm, các con số dao động từ 11% đến 50% đối với các loại kính của các hãng khác nhau. Những kết quả trong một vài nghiên cứu vẫn là chưa đủ để chứng minh hiệu quả thực sự của phương pháp này.
Kính tiếp xúc
Kính tiếp xúc cũng là một trong những phương pháp được các chuyên gia quan tâm trong việc kiểm soát tật khúc xạ cận thị. Kính tiếp xúc gồm 2 loại chính: kính tiếp xúc cứng và kính tiếp xúc mềm. So với phương pháp kính tiếp xúc cứng (được chứng minh qua các nghiên cứu về khả năng kiểm soát cận thị khá thấp), các loại kính tiếp xúc mềm nhiều vùng nhìn (2 tròng, đa tròng, mờ chu vi) có các chỉ số khả quan hơn. Hiệu quả của kính tiếp xúc đa vùng nhìn mềm có thể kiềm hãm sự phát triển của cận thị khoảng 46%, với giá trị trung bình qua các nghiên cứu khác nhau là 43%. Kính tiếp xúc mềm đa vùng nhìn gồm nhiều thiết kế khác nhau, nhưng loại được sử dụng trong các nghiên cứu thường có thiết kế nhìn xa vùng trung tâm.
Một hạn chế của loại kính này đó là việc bệnh nhân phải có thói quen vệ sinh kính tốt cũng như tuân theo những chỉ định nghiêm ngặt từ nhân viên y tế. Do kính được đặt trực tiếp lên mắt nên những nguy cơ về nhiễm khuẩn là không thể tránh khỏi.
Thuốc
Việc sử dụng các nhóm thuốc để hạn chế sự phát triển cận thị cũng đang là một xu hướng ở thời điểm hiện tại. Một trong những thuốc đang được nghiên cứu nhiều nhất đó là Atropine liều thấp dạng nhỏ mắt. Loại thuốc nhỏ mắt này có tác dụng giảm sự hoạt động của các cơ trong mắt, từ đó ngăn cản sự điều tiết. Atropine được sử dụng trong kiểm soát cận thị ở nồng độ thấp bởi vì nồng độ cao khi sử dụng lâu dài, có thể gây ra nhiều tác dụng phụ không mong muốn (tăng nhịp tim, khô mắt,..). Những liều lượng được sử dụng trong các nghiên cứu thường là 0.01%, 0.5%, 0.1%,…với liều lượng 0.01% được chứng minh qua nhiều nghiên cứu là đang mang lại hiệu quả tối ưu nhất hiệu quả kiểm soát cận thị đạt khoảng 50-59% trên độ khúc xạ. Hạn chế của phương pháp này là chưa có nhiều nghiên cứu về tác dụng phụ của thuốc khi sử dụng trong thời gian dài. Theo các khuyên cáo của Tổ chức Y tế thế giới, loại thuốc này chỉ nên được sử dụng kéo dài dưới 2 năm để hạn chế tối đa ảnh hưởng của tác dụng phụ lên cơ thể nói chung và mắt nói riêng.
Loại thuốc này nằm trong danh mục thuốc kê đơn, do đó, việc sử dụng phải được chỉ định bởi các nhân viên y tế chuyên môn.
Kết hợp các phương pháp
Việc phối hợp các phương pháp trên cho mục đích kiểm soát cận thị, qua nhiều nghiên cứu đã cho thấy được hiệu quả sẽ tốt hơn việc sử dụng một phương pháp đơn lẻ. Một số nhóm phối hợp có thể kể đến như sử dụng atropine liều thấp và Ortho-K, Atropine liều thấp và các loại kính gọng hoặc kính tiếp xúc…